Chuyển đến nội dung chính

Đau lưng, coi chừng trượt đốt sống thắt lưng

Đây là bệnh lý không hiếm gặp hiện nay, tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc bệnh nhân thường chủ quan nên đến lúc tình trạng bệnh nặng mới nhập viện.

Teo chân do chủ quan

Bệnh nhân nam Lê Văn H. (55 tuổi), đau cột sống thắt lưng thường xuyên hơn 10 năm, do chủ quan nên bệnh nhân tự uống thuốc nhưng không đỡ, tình trạng đau ngày càng nặng. 2 năm gần đây, bệnh nhân H đau lưng không đứng được quá 10 phút kèm theo đau lan xuống mông, đùi, mặt ngoài cẳng chân đến mắt cá chân 2 bên, đau liên tục và tăng lên khi lao động và làm việc, nghỉ ngơi thì có đỡ hơn nhưng không hết. Thỉnh thoảng còn chuột rút bắp chân. 6 tháng gần đây, hai bắp chân teo và đi lại được rất ít thì phải ngồi nghỉ vì không đi được. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi và thử nhiều phương pháp như: đắp thuốc lá, bấm huyệt, nắn chỉnh ngoài... nhưng không thuyên giảm mà mức độ nặng lên. Bệnh nhân vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và được các bác sĩ thăm khám, kết quả chụp phim phát hiện bệnh nhân bị trượt đốt sống do khuyết eo độ II. Bệnh nhân được mổ làm kỹ thuật cố định cột sống và giải ép thần kinh. Sau 5 ngày, bệnh nhân đã đi lại bình thường, hết đau.

Hình ảnh trượt đốt sống thắt lưng L4L5.

Hình ảnh trượt đốt sống thắt lưng L4L5.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trượt đốt sống, trong đó trượt đốt sống do loạn sản thực sự là trượt bẩm sinh do sự dị dạng chỗ nối cùng cụt với hai mấu khớp bên nhỏ, thiểu năng. Hiếm gặp nhưng thường tiến triển nhanh và hay gây liệt vận động nặng. Trượt đốt sống do khuyết eo là dạng thường gặp nhất. Trong trượt đốt sống do khuyết eo đốt sống, có sự khiếm khuyết một phần khớp liên mấu sau. Nếu khuyết eo mà không trượt thì được gọi là tình trạng khuyết eo đơn thuần. Trượt có thể xảy ra do chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần, thường ở những vận động viên có những cử động ưỡn quá mức cột sống như: vận động viên thể dục dụng cụ, cử tạ, bóng đá. Chấn thương cột sống có thể gây gãy cuống, vỡ các mấu khớp gây tổn thương cột trụ sau dẫn tới mất vững cột sống và trong một số trường hợp gây trượt đốt sống. Theo Roy-Camille, khởi phát và tiến triển của trượt đốt sống cần phải có điều kiện giải phẫu đặc biệt của đoạn thắt lưng cùng nên rất hiếm có trượt đốt sống do chấn thương, tuy nhiên, cần phải chú ý khi trong tiền sử có chấn thương. Trượt đốt sống cũng có thể gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý nhiễm khuẩn, ung thư… gây hoại tử, phá huỷ các thành phần cột sống gây mất cân đối giữa hai trục vận động của cột sống gây ra.

Ngoài ra, trong một số trường hợp sau mổ thoát vị đĩa đệm, u tuỷ… phải lấy bỏ cung sau, đôi khi vô tình làm tổn thương cả diện khớp gây nên mất vững cột sống, có thể gây ra trượt đốt sống. Đôi khi trượt đốt sống do bệnh lý cũng rất hiếm gặp, có thể do tổn thương các thành phần phía sau của đốt sống do ung thư di căn hoặc các bệnh chuyển hoá của xương như bệnh Paget, lao cột sống, bướu đại bào.

Hình sau phẫu thuật.

Hình sau phẫu thuật.

Các triệu chứng thường gặp

Trong giai đoạn đầu, thường bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có đau lưng thoáng qua. Giai đoạn đau thắt lưng: đau lưng nhiều, đau khi bệnh nhân đi, đứng lâu, cúi ngửa cột sống, sau đó đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, đôi khi kèm tê, đau tăng lên khi ho, hắt hơi. Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên khó khăn. Đôi khi bệnh nhân cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân thay đổi tư thế và dáng đi, co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi, đi hơi khom lưng về phía trước, có thể kèm theo vẹo cột sống sang bên. Tình trạng đau cột sống thắt lưng mạn tính từng đợt, đau theo cơn và các cơn đau ngày càng xuất hiện dày lên. Đau cột sống thắt lưng tăng dần, có tính chất cơ học. Khi người bệnh sử dụng áo nẹp cột sống thì triệu chứng này giảm rõ rệt.

Khi khám ở tư thế đứng, bệnh nhân có các dấu hiệu cong vẹo cột sống hoặc ưỡn quá mức sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau hơn. Đây là dấu hiệu đặc trưng, có ý nghĩa nhất để chẩn đoán bệnh. Dấu hiệu đau cách hồi tuỷ với các biểu hiện tê bì, căng đau cả hai chân khi đi bộ, bệnh nhân không thể đi tiếp, buộc phải nghỉ. Triệu chứng này không xuất hiện khi bệnh nhân đi xe đạp. Đây là triệu chứng rất quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt với bệnh thoát vị đĩa đệm.

Hạn chế 99% liệt trong phẫu thuật cột sống bằng ứng dụng Hệ thống theo dõi thần kinh

Tùy từng trường hợp và mức độ của bệnh mà các bác sĩ chỉ định chữa trị phù hợp. Phẫu thuật được áp dụng trong những trường hợp bệnh nặng xảy ra nghiêm trọng đe dọa tới vận động của người mắc phải, cần phẫu thuật thay thế đốt sống hoặc điều chỉnh cân bằng giúp cho đốt sống trở về vị trí ban đầu, quá trình vận động của người bệnh sẽ hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ phẫu thuật cột sống sẽ bị liệt, điều này hoàn toàn sai lầm. Hiện nay, y học phát triển, các bác sĩ đã ứng dụng Hệ thống theo dõi thần kinh hạn chế 99% liệt trong phẫu thuật cột sống. Hệ thống theo dõi giúp bảo vệ an toàn tối đa rễ thần kinh trong mổ bằng cảnh báo liên tục bằng sóng điện sinh lý thần kinh và âm thanh. Đặc biệt có tác dụng với những trường hợp nắn chỉnh lớn như trượt đốt sống độ lớn hoặc vẹo cột sống... những trường hợp vào cuống bất thường nguy cơ tổn thương thần kinh hay những u thần kinh ngoại vi. Đây là hệ thống duy nhất trên thế giới định vị theo thời gian thực, giúp tránh tổn thương dây hoặc rễ thần kinh. Ứng dụng Hệ thống theo dõi thần kinh giúp theo dõi chức năng thần kinh trong mổ, giải quyết vấn đề hiệu quả, bệnh nhân gần như tuyệt đối an tâm với các phẫu thuật cột sống hiện nay.

TS.BS. Nguyễn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

U mỡ có đáng lo?

Hà Quang Nam (Hưng Yên) U mỡ là một lớp chất béo tích tụ dần dưới da, nằm giữa lớp da và cơ. Thường xuất hiện nhất cổ, lưng, vai, cánh tay, đùi. U mỡ là u lành tính thường gặp ở người trưởng thành. Ít khi gây đau trừ khi u phát triển to đè lên dây thần kinh hoặc nếu u có nhiều mạch máu bên trong. Hình dạng u mỡ thường là hình tròn, mềm như cao su. Khối u có thể dịch chuyển. U mỡ thường hiếm khi lớn hơn 8cm. Một người có thể có 1 đến vài khối u mỡ và hiếm khi nguy hiểm. Bạn phát hiện ra khối u đã 5-6 năm mà không thấy đau, không thấy khối u to hơn thì có thể chung sống hòa bình với nó, không phải lo ngại. Việc xác định là u mỡ phải do bệnh viện chuyên khoa ung bưới kết luận sau khi làm sinh thiết và các xét nghiệm cần thiết. Không nên tự đoán mò hay “nghe nói”. Nếu bạn đã từng khám và được chẩn đoán là u mỡ thì yên tâm. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đi khám nếu: Khối u bỗng nhiên gây đau, đột nhiên phát triển nhanh về kích thước (ví dụ trong vòng 12 tháng tăng gấp đôi kích thước). Do u mỡ phá

Dấu hiệu sớm phát hiện ung thư buồng trứng

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, mỗi năm tại Mỹ có khoảng 20.000 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng, là nguyên nhân gây tử vong thứ 5 trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ, sau ung thư phổi, phế quản, vú, đại trực tràng và ung thư tuyến tụy. Đây là loại ung thư nguy hiểm nhất trong hệ sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những tiến bộ trong việc phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, ngày nay số phụ nữ chết vì ung thư buồng trứng đang giảm nhanh hơn bao giờ hết. Theo một nghiên cứu kéo dài 10 năm tại 47 quốc gia trên thế giới (từ năm 2002 đến 2012) đăng trên tạp chí Oncology cho biết, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì ung thư buồng trứng thấp nhất là Hàn Quốc, Brazil, trong khi các nước có tỷ lệ cao là Lithuania, Ireland và cao nhất là Latvia. Một trong những yếu tố quan trọng là người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm để có can thiệp kịp thời. Hiện nay việc điều trị ung thư buồng trứng đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trên những bệnh nhân đư

9 dấu hiệu ung thư thường bị bỏ qua nhất

Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh quốc (CRUK) đã thực hiện khảo sát gần 4.000 người về các dấu hiệu của ung thư. Kết quả cho thấy, đa phần mọi người đều chưa hiểu rõ được các triệu chứng và coi thường các dấu hiệu điển hình. Nguy hiểm hơn, có đến 19% nam giới và 10% phụ nữ không thể nêu tên bất kỳ một dấu hiệu nào của bệnh ung thư. Theo các bác sĩ Khoa Ung bướu – Bệnh viện Thu Cúc, hiểu được các dấu hiệu của bệnh ung thư là điều rất quan trọng. Nhờ đó mà chúng ta có thể cảnh giác, chủ động phát hiện sớm bệnh và thăm khám kịp thời, nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh. Điều đáng tiếc là tại Việt Nam, 70% các trường hợp ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn cũng vì lý do chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu phổ biến. Dưới đây là các biểu hiện ung thư thường bị bỏ qua nhất: Nốt ruồi bất thường Trong nghiên cứu của (CRUK), chỉ có 16% cho rằng nốt ruồi bất thường là dấu hiệu của ung thư, số còn lại bỏ qua triệu chứng này. Đây là biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân ung thư da. Ngoài ra, các vấn đề của da như: xuất